Site icon mimi's adventures

8 điều cần làm khi du học sinh vừa đến Ireland

Updated 5/2022!

Hellooo, mình lại trở lại đây. Sau bao nhiêu giai đoạn từ nộp hồ sơ, nhận thư nhập học từ trường, chứng minh tài chính xin visa, mua vé máy bay, chuẩn bị hành lí thì mình cũng đã hạ cánh ở Ireland. Mình có 2 tuần self-quaratine tại căn hộ Airbnb ở gần trung tâm Dublin. Trong 2 tuần này mình tranh thủ làm nhiều việc để bắt đầu ổn định cuộc sống ở xứ Ngọc Lục Bảo xinh đẹp. Sau đây mình chia sẻ 8 điều du học sinh cần làm khi vừa đặt chân đến Ireland nhé.

1. Mua sim Ireland và đăng kí gói cước

May mắn đợt mình qua trường có dịch vụ chở từ sân bay về tới khách sạn miễn phí và tặng thêm luôn chiếc sim Vodafone kèm tờ giấy hướng dẫn sử dụng và mua gói cước 20 euro/tháng. Việc của mình chỉ đơn giản là lắp sim vào, mua gói cước trên app Vodafone và xài thôi. Nếu không thì lên mạng order một chiếc sim online nhé.

2. Giữ số sim Việt Nam

Nay các nhà mạng Việt Nam đã có dịch vụ giữ số sim ở Việt Nam nếu bạn đi nước ngoài hoặc vì lí do nào đó mà không dùng sim trong thời gian dài. Điều đó cũng có nghĩa là bạn không cần phải lôi sim ra nhắn tin hay làm một động tác gì đó để giữ sim nữa. Thật là tiện lợi. Mình xài sim Viettelnên đã soạn tin nhắn theo cú pháp: VTVANG gửi 109

Cước phí 50.000đ/lần đăng ký. Chu kỳ sử dụng 365 ngày – kể từ ngày đăng ký thành công gói cước. Đối tượng áp dụng: Tất cả các thuê bao di động trả trước có nhu cầu giữ số trong thời gian dài.

Mình thấy Vinaphone, Mobilephone cũng có dịch vụ này. Bạn Google nhé, hoặc để không bị nhắn tin lừa đảo thì liên hệ nhà mạng trước khi soạn tin nhắn.

3. Tìm nhà

Đây là ưu tiên hàng đầu khi mình vừa đặt chân đến Ireland. Tìm được căn nhà ưng ý ở Dublin vốn không dễ nên mình ưu tiên tìm nhà và liên hệ với chủ nhà trong lúc đang cách li tại chỗ, song song đó sẽ làm các việc khác như đăng kí tài khoản ngân hàng, leapcard,… May mắn là mình tìm được nhà khá nhanh. Sau 1 tuần tự cách ly và có kết quả âm tính PCR test thì mình cũng hẹn được 3 chủ nhà để xem và cả 3 căn đều vừa ý. Mình chọn căn mình đang ở vì chủ nhà rất tử tế và nhiệt tình. Mình tìm trên ucdaccomodationpad.ie, kênh tìm nhà dành riêng cho các sinh viên UCD. Bạn nào là sinh viên UCD thì khoảng tháng 3-4 trường sẽ gửi link cho các bạn đăng kí. Kênh này theo mình khá ổn. Chi tiết thuê nhà ở Dublin thì mình sẽ chia sẻ ở bài viết sau nhé.

4. Đặt hẹn với GNIB để đăng kí IRP card

Link đặt hẹn: http://www.inis.gov.ie/en/INIS/Pages/registration-study-postgraduate

Đặt hẹn với GNIB thì cũng hơi khó tí vì hệ thống đăng kí bên này hơi kì :). Bạn sẽ không book được liền ngay lần đầu đâu vì mỗi ngày số lượng slot được release khá hạn chế. Trên website cũng nói như vậy nên hãy kiên nhẫn nhé. Thử vài lần sẽ được.

Một số app booking hẹn GNIB trên Android và IOS

Bạn nào dùng điện thoại hệ điều hành Android thì sẽ có app miễn phí hỗ trợ để nhận thông báo khi có slot để book thì rất nhanh. Những ai xài IOS thì cũng có 1 app nhưng phải mua 2 euro nhưng có vẻ feedback có vẻ không tốt lắm. Nói chung hên xui, mình không xài nên cũng không biết như thế nào. Lúc đầu mình định mua nhưng do không thanh toán được lại thôi. Sau đó, một buổi chiều mình quyết định lên web đăng kí. Mình mở hết 3 cái browser khác nhau trên máy tính, điền thông tin và cứ 2-3 phút lại click vào Find available appointment một lần. Kiên nhẫn hơn 1 tiếng đồng hồ thì 1 slot hẹn cũng hiện lên. Mail xác nhận sẽ được gửi đến email trong vòng 24h. Sau đó chuẩn bị giấy tờ để đến ngày hẹn thì mình mang lên chỗ đăng kí thôi. 1 tuần sau là nhận được thẻ gửi đến tận cửa nhà.

Tips để đặt lịch hẹn: Mỗi ngày slot hẹn thường sẽ được release vào lúc 10 am và 2pm nên canh mấy khung thời gian này để tranh slot nhé. Tin đồn thôi nhưng chắc là hữu ích đấy. Vì cái slot của mình cũng gần khung giờ đấy. Nếu không book được slot thì cũng đừng lo lắng nhé vì mỗi người có đến 3 tháng để làm việc này. Và nếu sau 3 tháng vẫn chưa có lịch hẹn thì bạn báo với phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để được hỗ trợ.

5. Đăng kí Leap card (thẻ dùng để đi lại trên các phương tiên công cộng)

Leap card sinh viên thường sẽ cho đăng kí từ tháng 9. Nếu bạn đến trước tháng 9 mà vẫn muốn mua leap card sinh viên thì cũng được luôn. Tuy nhiên thẻ sẽ hết hạn vào tháng 12 cùng năm, sau đó bạn phải renew lại. Mình chọn dùng leap card bình thường rồi đến tháng 9 đăng kí leap card sinh viên luôn 1 lần. Mình mua leap card bình thường tại cửa hàng tiện lợi Spar gần nhà. Phí là 5 euro (refundable) và top-up tiền vào xài.

Email xác nhận đăng kí Leap card

Sau khi đăng kí mua Leap card sinh viên trên trang leapcard.ie, mình nhận được email confirm mã đơn hàng cùng với đường link hướng dẫn các đại lí sẽ in leap card cho mình. Mình đã chọn đại lí có xác nhận online và gửi thẻ về đến nhà với phí chưa đến 2 euro. Hoặc các trường đại học đều có dịch vụ in leap card cho sinh viên, bạn chỉ chỉ cần đăng kí và mang đầy đủ giấy tờ xác nhận thì sẽ được in và hẹn lịch để lấy.

Sau khi nhận được leap card thì bạn đăng kí lên hệ thống leapcard.ie để sau này nếu có bị mất thì mình báo mất thẻ và được hoàn lại số tiền trong thẻ nhé. Không đăng kí cũng báo mất và được hoàn tiền lại nhưng mình phải gọi lên tổng đài để thông báo.

6. Đăng kí tài khoản ngân hàng

Ôi đây là một câu chuyện mệt mỏi của mình. Đầu tiên mình lên ngân hàng AIB ở trung tâm thành phố, nơi sinh viên quốc tế hay mở thẻ nhưng họ bảo phải có giấy tờ xác nhận có chữ kí sống của trường và trên đó có địa chỉ nhà của mình. Thấy tình hình có vẻ hơi khó khăn trong khi mình sắp hết tiền mặt nên mình đã chuyển sang ngân hàng KBC, thủ tục nhanh hơn và hứa sẽ gửi thẻ về nhà trong 1 tuần làm việc. Và 2 tuần đã trôi qua và mình cũng không thấy chiếc thẻ nào được gửi tới. Liên hệ hotline không có ai bốc máy, gửi email mà không biết đến khi nào mới được trả lời. Vì thẻ sinh viên của ngân hàng KCB là dạng cashless nên mình cần thêm 1 thẻ khác. Do vậy, sau khi chuyển về chỗ ở gần trường, mình liên hệ lại AIB Blackrock gần trường vì ở đây hay làm cho sinh viên và mấy năm trước chỉ cần passport và attendance letter từ trường. Họ liên hệ và bảo mình là họ đã full lịch hẹn đến tháng 11 và chuyển mình sang một chi nhánh khác xa lắc có lịch hẹn vào đầu tháng 10. Trong mail xác nhận AIB ghi rõ luôn sinh viên chỉ cần passport và attendance letter từ trường. Ôi trời ơi, một cái ngân hàng mà thủ tục không thống nhất gì cả. Và kết quả là giờ đang ngồi viết những dòng này với cái ví còn ít tiền xu và không có cái thẻ ngân hàng nào cả huhu. Update là sau hơn 1 tháng thì mình mới nhận được thẻ KBC sau khi liên hệ nhiều lần với ngân hàng.

7.  Đăng kí PPSN (Personal Public Service Number)

PPSN là Số Dịch vụ Công cộng Cá nhân (PPS) là một số tham chiếu duy nhất giúp bạn tiếp cận các phúc lợi xã hội, các dịch vụ công và thông tin ở Ireland. PPSN là rất cần thiết khi bạn muốn đi làm thêm ở Ireland và nhận lương chuyển khoản.

Link đăng kí PPSN online: services.mywelfare.ie

Các giấy tờ đăng kí dành cho sinh viên: Hộ chiếu, địa chỉ nhà (sinh viên UCD thì có Attendance Letter có ghi địa chỉ nhà), lí do cần PPSN (sinh viên thì nộp luôn cái PPS number). Và mất 6 tuần để nhận được PPSN từ lúc nộp giấy tờ thành công và hợp lệ.

8. Khám phá Dublin và kết bạn

Chắc chắn rồi nhỉ. Đến một đất nước mới thì lúc nào cũng hừng hực cảm giác muốn nhìn thấy mọi ngóc ngách của thành phố đặc biệt là những bạn lần đến Châu Âu như mình và làm quen nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Đi tham quan khu city center, Howth, Bray, công viên,… Mình sẽ viết bài khác về chủ đề này nhé.

 

 

Exit mobile version