Gap year (Phần 1) – Ấn Độ và những “lần đầu”

single-image

Gap year của mình cũng đã lâu lắm rồi, từ thời mình mới tốt nghiệp đại học năm 2014. Tính đến nay cũng đã hơn 7 năm nhưng đó vẫn luôn là bước ngoặt đáng nhớ và nhiều ý nghĩa làm thay đổi nhân sinh quan của mình về sau. Và vì đó sẽ luôn là một điều tốt đẹp đã từng xảy ra với mình nên mình viết ở đây để lưu lại những điều tốt đẹp đó.

Gap year của mình có 2 chuyến đi: chuyến đến Ấn Độ thông qua chương trình trao đổi tình nguyện của AIESEC và một năm đi bụi và làm tình nguyện ở Đông Nam Á sau đó. Mỗi chuyến đi mang lại những trải nghiệm khác nhau nhưng tựu chung lại những câu chuyện trên đường đi đã khiến mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Phần 1: 2 tháng trên đất Ấn – Cảm xúc của những trải nghiệm “lần đầu”

Chủ đích ban đầu của mình khi tham gia AIESEC là đến một nước Đông Nam Á gần thôi vì mình chưa bao giờ ra nước ngoài một mình cả. Nhưng rồi chọn mãi không được dự án nào phù hợp nên mình quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm, rồi cơ duyên thế nào mà mình đã bị thu hút và chốt dự án ở Ấn Độ. Cho đến bây giờ Ấn Độ cũng không phải là điểm đến được người Việt ưa chuộng, huống chi là 7 năm trước khi mà nhắc đến đất nước này thì chỉ gợi đến những thứ như là hiếp dâm, khu ổ chuột. Vậy mà lúc đó mình chẳng có chút sợ hãi nào, mà thay vào đó là sự háo hức và hồi hộp cho trải nghiệm sắp tới. Chắc sinh ra đã “máu” sẵn  với thực ra việc đi thông qua một chương trình có tổ chức nên mình cũng an tâm.

gap-year-team-aiesec
Team AIESEC local và tình nguyện viên từ nhiều quốc gia khắp thế giới

Trước ngày đi mình miệt mài đọc mọi thứ về Ấn để đỡ bỡ ngỡ khi sang nước bạn. Nhưng không, dù đã đọc rất nhiều nhưng 2 tháng sau đó vẫn là một chuỗi những trải nghiệm khiến mình mắt chữ O mồm chữ A. Và đó cũng là chuyến đi của rất nhiều những “lần đầu”.

Lần đầu tiên được ngồi trên chiếc máy bay thân rộng của Thai Airways và chỉ muốn thốt lên “Rộng muốn xỉu” :)))), lần đầu tiên bay xa nhưng do ham giá rẻ mà mua vé hạ cánh Mumbai lúc ban đêm nên đã bị mất mớ tiền ngu cho taxi và khách sạn mà giá chỉ đáng 1/3 cho số tiền mình đã trả. Sau này mình rút kinh nghiệm không bao giờ mua vé mà giờ đến là đêm khuya ở các thành phố lạ. Sáng hôm sau, khách sạn giúp gọi xe chở ra ga tàu lửa để đến Surat, thành phố mình làm tình nguyện 6 tuần, cách Mumbai 2 giờ đi tàu. Vâng, ga tàu ở Ấn Độ là một ma trận mà giờ mọi người hay thấy trên mạng. Mình vẫn nhớ rõ cái bảng thời gian tàu đi tàu đến là cái file excel cả trăm dòng nhỏ xíu dán trên tấm bảng giữa sân ga rộng lớn và cả đống người bu vào để tìm ga đi của mình và cái sự nhếch nhác ở sân ga. Sau một hồi vật vã chen lấn tìm ga đi với cái vali hành lí to oạch thì mình cũng được một người dân địa phương giúp tìm ga đi và đưa lên tận chỗ ngồi trên tàu rồi mới yên tâm rời đi. Lúc đến ga Surat, thấy mấy bạn team AIESEC ào lên kiếm mình mà xúc động ghê luôn. Sau này, mình cũng nghe nói có một số bạn không được các AIESEC địa phương đón như vậy mà phải tự đi từ sân bay về. Tính ra vậy là mình cũng khá may mắn.

gap-year-mumbai-an-do
Gap year và những trải nghiệm thú vị

Mình làm tình nguyện ở một trường mẫu giáo và tiểu học nơi dạy các em nhỏ đến từ các gia đình lao động nghèo. Nhóm tụi mình có 5-6 bạn đến từ nhiều quốc tịch khác nhau Mỹ gốc Ấn, Nga, Trung Quốc, Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên mình làm việc nhóm trong một nhóm đa quốc gia như vậy và cũng nhờ vậy mà sau này mình không còn nhát nói tiếng Anh. Công việc thường là hỗ trợ tổ chức các hoạt động trong lớp học, tổ chức hội thảo cho cha mẹ học sinh, làm nội dung quảng bá để xin tài trợ cho trường. Mình còn nhớ hôm sinh nhật của một bé trong lớp, bé mang kẹo đi tặng tất cả mọi người trong lớp có cả mình. Lúc đó, mình đã rất ngạc nhiên vì trước giờ trong suy nghĩ của mình thì sinh nhật là dịp để được người khác tặng quà chứ không phải ngược lại. Sau đó mình mới biết theo văn hoá ở đây thì sinh nhật là ngày hạnh phúc và tặng quà cho người khác là cách họ chia sẻ sự hạnh phúc của mình với người khác. Dễ thương nhỉ.

Ngoài thời gian làm việc ở trường, mình còn được trải nghiệm rất nhiều về văn hoá Ấn và tận mắt chứng kiến sự vận hành của xã hội ở một đất nước cách Việt Nam gần 10 giờ bay. Nếu như trước đó mình chỉ đọc hay được nghe về sự đa dạng văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ trên tivi, thì lúc đặt chân đến Ấn mình mới cảm nhận rõ những điều này qua những lần được những người bạn có tôn giáo khác nhau mời về nhà ăn cơm và tham gia các hoạt động tôn giáo cùng gia đình. Hay những lần đi bộ trên phố và ngỡ ngàng muốn té xỉu khi người và phương tiện giao thông phải nhường đường cho những chú bò đang nằm thong dong giữa đường. Rồi một lần được một bạn tình nguyện khác dẫn lên Mumbai chơi, mình đã đứng giữa một khu chợ của người Muslim ngập tràn sắc đen của Hijab và chỉ thắc mắc làm sao mọi người nhận ra nhau khi cần. Hay như lúc ngồi trên tàu đi ngang qua một toà nhà sang trọng rất to và đẹp ngay thủ đô Mumbai, nhưng ngay bên cạnh là một khu ổ chuột không thể nhết nhác hơn, hay các đường vỉa hè chật kín những ngôi nhà di động của người vô gia cư thì mình cảm nhận rõ hơn thế nào là phân hoá giàu nghèo. Sau này mình mới biết chính phủ Ấn Độ có xây những khu nhà xã hội để kêu gọi người vô gia cư ở nhưng không được hưởng ứng vì vấn đề đức tin, lối sống nên họ vẫn chọn sống tạm bợ trên những vỉa hè giống như cái cách anh tài xế rickshaw hàng ngày chở mình đến trường không bao giờ mang dép dù mặt đất có nóng, bẩn đến đâu vì anh tin rằng đó là cách anh để anh kết nối với bề trên.

Sau 6 tuần ở Surat, mình cùng một nhóm bạn dành 2 tuần đi du lịch hướng lên phía Bắc bằng tàu lửa để tham quan các thành phố nổi tiếng khác của Ấn Độ như Delhi, Agra (đền Taj Mahal), Jaipur – Pink city nổi tiếng của Ấn Độ. Cảm giác phấn khích khi đứng trước những kì quan thế giới mà trước giờ chỉ thấy trên tivi, khi đi bộ dọc những con chợ đầy sắc màu rộng lớn ở Delhi, hay những cuộc trò chuyện với những người bạn trên đường đã khiến mình có cơ hội cảm nhận rõ hơn cái người ta hay nói là dấu ấn sâu đậm của tôn giáo, văn hoá và đa sắc tộc của đất nước tỉ dân này. Và chính những điều này đã khơi gợi khao khát được ngắm nhìn và khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia của mình.

gap-year-du-lich-tajmahal
Thăm Taj Mahal trứ danh – một trải nghiệm khác trong chuyến gap year

2 tháng đầu tiên trong hành trình 1 năm gap year của mình đã kết thúc với chuyến bay từ Mumbai về Việt Nam chở theo rất nhiều kỉ niệm và lời hẹn quay lại Ấn sau 5 năm đã không thực hiện được. Chuyến đi tuy ngắn nhưng nhiều trải nghiệm này cũng là khởi đầu cho chuyến đi bụi quanh Đông Nam Á của mình ở phần hai của bài viết này, cùng theo chân mình trong hành trình dài hơi nhưng cũng không ít thú vị này ở đây nhé.

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may like