Kể chuyện thi và làm Management Trainee ở Uniqlo

single-image
  1. Chào Nguyên, em giới thiệu một chút về bản thân cũng như công việc của em nha.

Em là Hoàng Nguyên và là người Huế. Hiện nay em đang làm vị trí Production Management cho Fast Retailing (FR) – tập đoàn sở hữu các nhãn hàng như Uniqlo, GU,… Khi vừa ra trường, em có thử sức làm dịch thuật, là công việc đúng với ngành học của em (em tốt nghiệp ngành Phiên dịch tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Huế). Tuy nhiên, sau khi làm được 6 tháng thì em muốn đổi sang một công việc khác năng động hơn, được bay nhảy nhiều hơn. Em quyết định thi vào chương trình UMC (Uniqlo Management Candidate) của FR và may mắn là đã đậu.

  1. Em có dự định nộp vào các chương trình Management Trainee từ khi còn học đại học không?

Dạ em không. Khi còn học đại học, em từng nghe qua danh tiếng của các chương trình Management Trainee. Ấn tượng của em hồi đó là những chương trình như vậy rất khó đậu, tỉ lệ chọi còn cao hơn thi đại học, các bạn ứng viên toàn sở hữu profile khủng, và hơn nữa là người Huế vào Sài Gòn như em thì em chỉ mới biết có duy nhất 1 anh đậu Pepsico (anh đó cũng rất giỏi, thành tích khủng). Vậy nên em chưa từng nghĩ sẽ nộp đơn đi thi. Cho đến một ngày tình cờ em nhìn thấy tuyển dụng chương trình UMC của Uniqlo. Nói thật là lúc đó em cũng chưa hiểu “Production Management” là gì. Chỉ là tính em thích bay nhảy, gặp gỡ nhiều người, nên khi nghe công việc yêu cầu đi công tác nhiều, em thích lắm và nộp đơn ngay. À, và em cũng thích đồ của Uniqlo nữa.

  1. Em có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ khi em nộp hồ sơ ứng tuyển đến khi nhận kết quả vào Uniqlo không?

Quá trình thi UMC của em trải qua 4 vòng thi: (1) nộp đơn, (2) phỏng vấn lần 1, (3) thực tập 1 ngàymanagement trainee và (4) phỏng vấn lần 2. Đối với UMC, công ty không yêu cầu ứng viên phải có chuyên ngành đặc thù gì cả, nên mặc dù không có background về may mặc, vải vóc, quản lí,… em vẫn rất tự tin. Bù lại, em cố gắng thể hiện những điểm mà em nghĩ là chỉ bản thân mình mới có (hoặc mình mạnh hơn những bạn khác), mà chính những điểm đó lại khiến mình phù hợp với công việc/ công ty. Ví dụ: Trong mô tả công việc có ghi rõ là nhân viên phải đi công tác 2-3 ngày trong tuần bằng ô tô hoặc máy bay. Với tần suất di chuyển nhiều như vậy thì em nghĩ kinh nghiệm đi du lịch bụi 10 nước châu Âu trong 1 tháng của em sẽ đủ để công ty hiểu việc đi lại liên tục bằng tàu, xe, máy bay không là vấn đề gì với em cả; ngược lại em còn rất thích. Đọc tới đây chắc nhiều bạn sẽ thắc mắc: “Làm sao biết mình phù hợp với công việc/ công ty?”. Câu trả lời của em là: “Hiểu cả đôi bên”. Trước hết, bạn phải hiểu chính bản thân mình. “Hiểu bản thân” nghe thì đơn giản nhưng thật ra không dễ chút nào. Nó là cả một quá trình tự quan sát, tự soi chiếu và ghi lại hành vi, suy nghĩ của bản thân mình; từ đó chắt lọc được điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, hoài bão, ước mơ… của chính mình. Tiếp theo, bạn cần hiểu công ty. Em đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về FR, Uniqlo, GU và chương trình UMC, mục đích không chỉ phục vụ cho vòng thi, mà còn để đánh giá xem bản thân mình có yêu thích, phù hợp hay không. Chẳng cần tìm đâu xa xôi, những thông tin thể hiện trong mô tả công việc và website công ty là cần thiết và quan trọng nhất. Em phải dành hơn 1 tháng mới hoàn thành xong đơn ứng tuyển của mình. Lí do là vì em đã dành rất nhiều thời gian để tìm tất cả các nguồn thông tin liên quan đến Uniqlo. May mắn sao, càng đọc em càng thấy thích triết lí kinh doanh của FR và người sáng lập. Vậy nên, khi làm xong hồ sơ, em cảm thấy rất ưng ý vì cuối cùng mình cũng có thể thoải mái thể hiện bản thân với một môi trường phù hợp.

  1. Chia sẻ một chút về công việc của em ở Uniqlo và một vài suy nghĩ của em sau hơn 2 năm làm việc tại đây nha?

Công việc của em chính xác là những gì mà cái tên của nó thể hiện: Production Management – Quản lý sản xuất. Đằng sau một chiếc áo xuất hiện ở cửa hàng là cả một chuỗi cung ứng cấu thành từ rất nhiều giai đoạn. Công việc của em là chịu trách nhiệm quản lý một trong những giai đoạn đó: Sản xuất. Thật lòng em cảm thấy may mắn khi tìm được FR, bởi vì em chưa thấy công ty nào tuyển dụng fresher cho một vị trí quan trọng như vậy cả. Công việc có gian khó, cực khổ thật (cả về thể chất lẫn tinh thần), nhưng bên cạnh đó em cũng được trao nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển, được thể hiện khả năng trong một môi trường lành mạnh. Cái này không chỉ tự bản thân em cảm thấy, mà em cũng được nghe từ nhiều anh chị đã nghỉ FR đi làm ở công ty khác cũng nói như vậy. Nhiều bạn nghe cụm từ “công ty Nhật” có lẽ sẽ hơi ái ngại về văn hoá, cách làm việc của công ty. Nhưng với FR, đây thật sự là một môi trường “global but local”, có nghĩa là các bạn sẽ vừa được trải nghiệm văn hoá làm việc của người Nhật, vừa có thể tự xây dựng phong cách local riêng, hai cái hoà hợp với nhau. Đối với những bạn trẻ yêu thích vải vóc, quần áo, không ngại đi công tác nhiều, và đặc biệt là muốn “thay đổi thế giới”, thì Production Management ở FR sẽ là một cơ hội tốt dành cho bạn.

  1. Đi làm nhiều năm, chắc chắn em đã học được không ít bài học hay ho hoặc có những trải nghiệm đáng nhớ. Em có thể chia sẻ một chút về chủ đề này không?

 Bài học và trải nghiệm thì nhiều nhiều lắm ạ. Chưa bao giờ em nghĩ mình được tận mắt chứng kiến quá trình hình thành của một chiếc áo, chiếc quần trong nhà máy may công nghiệp; chưa kể đến việc còn được trực tiếp làm việc, trao đổi với những cô chú giám đốc nhà máy, trưởng chuyền may,… – những người vừa giỏi chuyên môn, vừa giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, được tiếp xúc với những công nhân may cũng là một điều mà em cảm thấy may mắn. Từ lúc còn đi học em đã được nghe câu “giai cấp công nhân là lực lượng chủ chốt trong công cuộc xây dựng đất nước”, đến tận bây giờ tận mắt nhìn thấy mới hiểu được lời thầy dạy ngày xưa.

Tuy nhiên, để mà nói về bài học lớn nhất sau 2 năm làm Production thì có lẽ là thái độ và cách ứng xử của em với áo quần (còn có cả túi xách, giày dép… nữa. Nhưng em gọi chung là “áo quần”). Từ khi trở thành UMC, áo quần không chỉ là một món đồ hàng ngày em sử dụng nữa, mà nó còn là thứ khiến em phải cố gắng, trăn trở mỗi ngày. Nhờ công việc, em hiểu được rằng giá trị thực sự của một cái áo không nằm ở nhãn giá gắn trên mác. Nó là cả một câu chuyện ở đằng sau. Liệu mình có nên xem một chiếc áo là đồ bỏ đi sau 1-2 lần mặc? Liệu mình có nên mua một chiếc đầm chỉ để chụp 1 bức hình? Bản thân em cũng chính là một con nghiện shopping (đến giờ vẫn chưa cai nghiên được hẳn, nhưng đã tự hứa với bản thân không mua đồ fast fashion nữa). Không ít lần em cảm thấy tội lỗi vì lỡ vung tiền sắm quá nhiều quần áo. Và cũng quá nhiều lần em chật vật để xử lí chỗ áo quần em không còn mặc nữa. Từ một người nghiện mua sắm đến một người có thể tự hỏi bản thân 2 câu hỏi in đậm trên, em nghĩ đó đã là một bài học lớn.

  1. Còn khó khăn thì như thế nào? Chẳng hạn như không cảm thấy chắc chắn về công việc mình đang làm, không biết tiếp theo mình nên làm gì?,… Và những lúc như vậy em thường làm thế nào?

Không hề thiếu ạ. Em nghĩ là người trẻ trong độ tuổi 20 – 25, hiếm ai chưa từng trải qua cảm giác này. Nhiều lần đi công tác về mệt quá, em cũng tự hỏi mình đang làm cái quái gì ở đây :). Mặt khác, em còn là một người mộng mơ nữa. Nhiều lúc thân thì làm 1 nơi, nhưng đầu óc lại đang mơ ở nơi khác, làm việc khác. Khoảng thời gian mông lung, vô định đó kéo dài chắc cũng hơn 3 năm, cho tới khi em học được cách “Let it be”. Đến bây giờ, em nghĩ cuộc đời luôn có những sự sắp đặt có chủ đích. Hiện tại mình đang làm công việc này, có nghĩa là chắc chắn có điều mình cần phải biết đến, cần được trải nghiệm trong công việc đó. Tới thời điểm chín muồi, tự khắc một chặng đường mới sẽ xuất hiện. Vậy thì tại sao hiện tại, mình không cố gắng làm thật tốt, trải nghiệm thật tốt, trân trọng những gì mình học được và làm được, và để xem tiếp đến cuộc đời sẽ sắp đặt điều gì xảy ra nữa? Trong rất nhiều sự kiện diễn ra với em từ trước đến nay, không phải việc gì cũng là do em chọn. Nhiều lúc nó xảy ra rất ngẫu nhiên, như trên trời rớt xuống. Nhưng điểm chung là khi nhìn lại em chưa từng hối hận. Chính những sự việc đó đã tạo nên chính em ngày hôm nay. Và em hài lòng với phiên bản của bản thân hiện tại, thì còn gì mà phải hối hận? Vậy nên, bài học em rút ra được sau nhiều năm mông lung, vô định đó là: Cái gì kiểm soát được thì cố gắng kiểm soát, cái gì mãi không kiểm soát được thì thả trôi nó đi. Và phải thật kiên nhẫn, kiên nhẫn với chính bản thân mình. Hãy cho bản thân mình cơ hội được cố gắng, toàn tâm toàn ý với công việc mình đang làm. Rồi điều mình muốn sẽ đến, không sớm thì muộn.

Xem những bài viết tương tự của mình ở đây nhé.

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may like