Gap year (Phần 2) – Một mình vác balo đi khắp Đông Nam Á

single-image

Sau 2 tháng ở Ấn, mình về nước và đi vài tỉnh dọc Việt Nam. Mình đón xe ra Phan Thiết, Nha Trang rồi thấy vé tàu lửa hạng ghế cứng ra Hà Nội cũng rẻ nên mua vé đi luôn cho biết Hà Nội mặt mũi ra sao với người ta. Chuyến tàu dài quá nên buổi tối mấy cô chú cho mình cái áo mưa lót nằm ngủ luôn dưới sàn. Rồi từ Hà Nội mình bắt xe đi Hạ Long, Sapa,… Đó cũng là lần đầu tiên mình tự đi du lịch một mình ở Việt Nam. Trong thời gian này mình cũng bắt đầu lên mạng lục tung các trang web, blog về du lịch giá rẻ.  Mình đọc chắc phải vài trăm bài blog có lẻ về chủ đề này và rồi cuối cùng mình tìm được một vài website khá hữu ích workaway.info – nơi mình làm tình nguyện để đổi lấy chỗ ăn ở và đôi khi là có tiền tips nếu chỗ đó là hostel, couchsurfing – ở nhờ nhà người bản xứ, seat61.com – kênh thông tin về phương tiện đi lại giữa các nước trên thế giới.

Ban đầu mình không có kế hoạch đi dài vì không có nhiều tiền và trước giờ cũng đã đi như vậy bao giờ đâu mà biết cách lên kế hoạch cho chuyến đi dài. Lúc đó trong đầu mình chỉ định đi Campuchia và Thái rồi về nhưng cuối cùng chuyến đi lại dài gần 1 năm. Hành trình chuyến đi này của mình như sau: Việt Nam – Campuchia – Thái Lan – Myanmar – Thái Lan – Malaysia – Indonesia – Bruinei – Malaysia – Philipines – Thái Lan – Sài Gòn.

Từ Sài Gòn mình bắt chuyến xe khách đi thủ đô Phnompenh, nơi mình sẽ làm tình nguyện tại

Làm tình nguyện ở chùa cùng các bạn học sinh - gap year đông nam á
Làm tình nguyện ở chùa cùng các bạn học sinh – gap year đông nam á

AHHA Education NGO mà mình đã tìm được trên workaway.info. Ở đây mình gặp gỡ nhiều bạn tình nguyện viên khác từ nhỏ tuổi hơn đến lớn tuổi như ba mình đến từ đủ mọi quốc gia. Tụi mình ăn ở trong khu kí túc xá của trường và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ giảng dạy, tổ chức hoạt động ngoại khoá. Cuối tuần rảnh rỗi lại rủ nhau bắt xe buýt vào thành phố chơi, tham quan các địa điểm nổi tiếng. Khi kết thúc đợt tình nguyện, cảm đám rủ nhau lên Siem Reap tham quan Angkor rồi đường ai nấy đi.

Ăn tết Khmer
Ăn tết Khmer

Từ Siem Reap mình tiếp tục bắt xe lên biên giới và bắt chuyến tàu 2$ về Bangkok. Ở đây mình ở và phụ việc cho một homestay người Thái để đổi lấy ăn ở. Việc của mình là giúp khách check-in, check-out, dọn dẹp và hỗ trợ bạn host hướng dẫn khách trong lớp nấu ăn cuối tuần. Vì ở homestay nên mình quen khá nhiều bạn và thường hay rủ nhau đi chơi, đi ăn vặt loanh quanh ở Bangkok. Mình mê đồ ăn lề đường của Thái lắm đặc biệt là gỏi đu đủ, kiểu ăn mãi không thấy chán. Bạn host của mình thấy mình ăn mỗi ngày mà cũng chịu thua luôn. Thái Lan là đất nước mình đi ra đi vô nhiều nhất và tổng thời gian ở cũng nhiều nhất luôn (lần nào vào mình cũng ở đến khi hết hạn mới đi ra). Đến mức lần cuối cùng mình bay từ Philipines về Bangkong để về Sài Gòn, hải quan bảo lần sau quay lại phải xin visa.

Được 2 tuần thì mình rời Bangkok và bắt tàu đến Chiang Mai. Mình và bạn ở cùng homestay ở Bangkok thuê xe máy tham quan Chiang Mai, Chiang Rai và Pai. Đây là cung đường chạy xe máy khá nổi tiếng ở Thái Lan đặc biệt là khu tam giác vàng. Với cá nhân mình, miền Bắc Việt Nam núi đồi hùng vĩ và đẹp xuất sắc hơn nhiều.

Check-in tam giác vàng nổi tiếng - gap year đông nam á
Check-in tam giác vàng nổi tiếng – gap year đông nam á

Ngày hết hạn ở Thái Lan cận kề thì mình tìm được thông tin đường bộ từ Chiang Mai đến

Biên giới Myanmar và Thái Lan
Biên giới đường bộ Myanmar và Thái Lan

Myanmar. Thời điểm đó Myanmar mới bắt đầu mở cửa cho khách du lịch và thông tin về việc qua biên giới bằng đường bộ khá ít ỏi vì không nhiều khách du lịch quốc tế đi hướng này. Nhưng may mắn sao mình cũng tra được một số thông tin nên quyết định mua chiếc vé xe buýt từ Chiang Mai đến biên giới. Mình đến biên giới và được cấp 14 ngày ở Myanmar. Lúc đang dò dẫm ở biên giới để đổi tiền và hỏi thông tin thì mình được hướng dẫn đi taxi chung với khách bản địa để về tỉnh gần nhất (Hpa Ann) rồi từ đó mới bắt xe lửa đến thủ đô Yangon.

Vì chỉ có 14 ngày ở Myanmar và các điểm lại xa nhau nên mình chỉ đi du lịch chứ không tham gia hoạt động nào. Mình đi cung 4 tỉnh nổi tiếng của Myanmar là Yangon – Bagan – Mandalay – Inle Lake – Yangon. Thời điểm đó nhà nghỉ ở Myanmar dành cho khách nước ngoài và khách địa phương là riêng biệt, tất nhiên giá cũng chênh lệch rất nhiều và internet cũng hết sức chuối. Phòng dorm rẻ nhất mà mình tìm được cũng tầm 10$ 1 đêm nên mình đều tranh thủ đi các chuyến tàu đêm khi di chuyển giữa 2 tỉnh khác nhau để đỡ bớt tiền phòng. Ở Myanmar xe lửa chậm, dồng và cũ nên giá vé rất rẻ so với vé xe khách vốn dĩ dành cho khách nước ngoài.  Chuyến tàu dài nhất mình từng đi là chuyến tàu 34 tiếng từ Inle Lake về Yangon. Do vậy hầu hết thời gian ban đêm của mình ở đều là trên xe lửa.

Một góc phố Yangon - gap year đông nam á
Một góc phố Yangon – gap year đông nam á

Người dân ở đây khá thân thiện và mình để ý các bạn học sinh ở đây rất chủ động tiếp cận người nước ngoài để giao tiếp tiếng anh. Phụ nữ, em bé hay bôi bột thanaka lên mặt trông cứ thú vị và dễ thương thế nào, còn đàn ông mặc váy, nhai trầu và phun đầy đường nên mặt đường thường khá bẩn. Sự giao thoa văn hoá giữa Nam Á và Đông Nam Á ở đất nước này làm mình nhận ra có chút gì đó của Ấn Độ từ mùi hương, con người cho đến cái không khí bụi bặm. Nhớ lại những ngày yên bình đó ở Myanmar mà cảm thấy có chút chạnh lòng ở thời điểm hiện tại khi mà cuộc đảo chính đang hoành hành khắp đất nước này. Hi vọng yên bình sẽ sớm trở lại.

Hết 14 ngày ở Myanmar thì mình quay lại Thái Lan bằng đường cũ và về thủ đô Bangkok được 1 tuần thì bắt đầu hành trình hitchhiking (đi nhờ xe) với một bạn khác dọc miền Nam Thái Lan xuống Malaysia. Đây là lần trải nghiệm mà với mình thì trải nghiệm một lần cho biết rồi thôi vì mình không thích cảm giác đứng giữa đường trời trưa nắng và thụ động chờ đợi một chiếc xe nào đó đến chở mình đi nhờ một đoạn rồi xuống xe và tiếp tục chờ đợi. Dù sao thì đó cũng là một trải nghiệm thú vị và mình được thấy miền Nam siêu đẹp của Thái Lan với những công viên quốc gia rất to, những bãi biển xanh cát trắng nắng vàng và đông nghịt khách du lịch. Mình đi nhờ xe đến biên giới để sang Malaysia và do mình không có vé máy bay/tàu để đi tiếp nên gặp chút trục trặc nhưng cuối cùng cũng xử lí xong bằng việc xin nhờ wifi và mua một chiếc vé đi Indonesia. Qua biên giới thì tiếp tục đường ai nấy đi. Bạn mình đi tiếp về hướng thủ đô và mình thì lên tàu ra đảo Langkawi.

Trải nghiệm hitchhiking - gap year đông nam á
Trải nghiệm hitchhiking – gap year đông nam á

Ở Langkawi được vài hôm thì mình về Kuala Lumpur trên chuyến bay 15Ringit ~ 90.000 VND. Mình ở nhờ nhà bạn mình làm tình nguyện chung ở Campuchia và được dẫn đi chơi khắp nơi, ăn đặc sản chính gốc và tham gia một vài hoạt động tình nguyện chỗ NGO bạn mình làm. Kuala Lumpur với mình không ấn tượng lắm vì hiện đại thì cũng không bằng Singapore, văn hoá thì cá nhân mình cảm nhận cũng không rõ rệt lắm vì ở đây là giao thoa của 3 nền văn hoá lớn không có cái nào quá nổi bật. Từ thủ đô mình đi về hướng Penang, Malacca là những thành phố du lịch khá nổi tiếng ở đây và tiếp tục hành trình ăn nhờ ở đậu trên couchsurfing. Sau đó mình quay về Kuala Lumpur để bay sang Medan – một thành phố lớn ở Bắc Sumatra và cũng là điểm xuất phát trong chuyến hành trình khám phá đất nước nghìn đảo Indonesia.

Được bạn dẫn đến mosque siêu đẹp
Được bạn dẫn đến mosque siêu đẹp
Hồ Toba, Sumatra Indonesia - Gap year đông nam á
Hồ Toba, Sumatra Indonesia – Gap year đông nam á

Indonesia là đất nước mình sử dụng couchsurfing nhiều nhất. 29 ngày ở đất nước này thì hết 25 ngày mình ở nhờ couchsurfing, 4 ngày ở Bali thì ở phòng kí túc xá ở nhà nghỉ. Mình đến Medan vào những ngày cuối cùng của tháng Ramadan của người Hồi và đây cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị cho lễ Eid Mubarak – một lễ hội lớn và có nhiều ý nghĩa thiêng liêng giống như Tết của người Việt Nam. Những người làm ăn xa xứ quay về quê thăm gia đình, tảo mộ ông bà và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Và cũng chính vì lí do đó việc đi lại cũng khó khăn và đắt đỏ hơn. Có lúc mình đã phải ra đường nhờ chú cảnh sát bắt dùm xe vì không còn chiếc vé xe nào còn sót lại ở điểm bán vé. Ở Indonesia, mình rất hay bị để ý và bị lừa  nhưng kinh nghiệm hơn 4 tháng trên đường đã phát huy tác dụng khi mình cũng bắt đầu ý thức được việc nên tin ai và ai là người nên hỏi để lấy thông tin thay vì để bị dắt mũi. Được host bởi 2 người phụ nữ người Hồi giáo, mình được dịp hiểu nhiều hơn về tôn giáo này và văn hoá của những người bản địa nơi đây.

Sau đó mình đi dọc xuống đảo Java tham quan thành phố Yogyakarta rồi tiếp tục đi đến Malang, ngôi làng gần 2 ngọn núi lửa nổi tiếng là Bromo và Ijen. Ở đây được host giới thiệu cho người bạn là thầy giáo ở trường học địa phương và mời tham gia một hoạt động văn hoá ở trường cùng những bạn sinh viên quốc tế khác. Sau đó mình tham gia trekking núi lửa Bromo và Ijen vào đêm khuya để kịp ngắm bình minh. Đó có lẽ là buổi bình minh đẹp mà làm mình choáng ngợp đến tận bây giờ và là lần đầu tiên mình thấy núi lửa đang hoạt động với ngọn khói đen nghi ngút, những dòng chảy lava phát sáng trong đêm quyện với khí sulfur đặc quánh trong không khí và những người lao động đang gánh những tảng sulfur nặng trịch từ dưới đáy hồ lên. Kết thúc buổi leo núi mình ghép chung xe với các bạn backpacker khác đi xuống Bali. Bali đông đúc đến nghẹt thở và chắc do mình không có cơ hội vào mấy khu resort sang chảnh nên không cảm nhận được Bali như mình hay thấy trên quảng cáo. Hết thời gian ở Indonesia, mình quay lại thủ đô Jakarta và đi thẳng ra sân bay để bay sang Brunei.

Ijen ngay dưới chân mình đó
Ijen ngay dưới chân mình đó – gap year đông nam á

Mình thật sự có chút choáng nhẹ khi máy bay hạ cánh. Mới bước mấy bước đã vô tới sảnh và ra luôn tới cổng. Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt sáu tháng mình không bị hải quan hỏi bất cứ điều gì khi nhập cảnh. Thậm chí còn không dòm mặt mình khi đóng dấu hộ chiếu. Mình ở Brunei chưa đầy 24 tiếng. Theo như dự định ban đầu là sẽ ở lại 2 ngày 1 đêm nhưng xúi quấy thế nào mà lúc đến cái nhà nghỉ rẻ nhất thì nó lại đóng cửa nghỉ lễ còn mấy chỗ khác là $50+. Với lại lúc chiều anh bạn couchsurfing ở Brunei dẫn đi thăm thú một vòng thành phố rồi nên sáng hôm sau qua đi tàu qua Borneo, Kalimantan (Malaysia) luôn cho đỡ tốn tiền.

Vì ở Kalimantan đi lại khá đắt đỏ nên mình ở lại thời gian ngắn rồi bay sang Manila, Philipines. Thời điểm đó đã vào tháng 9, thời điểm mùa mưa bão ở Philipines bắt đầu và tài chính cũng dần cạn kiệt nên mình dành phần lớn thời gian ở một nông trại organic gần Manila mà mình tìm được trên workaway.info và tham quan những điểm lân cận. Vì ông chủ của nông trại này khá nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp organic ở Philipines nên mình cũng được dịp gặp khá nhiều gia đình giàu có ở Manila đưa con họ đến đây để học thêm về nông nghiệp (những học sinh này đã hoặc đang học về quản trị kinh doanh hoặc chính trị tại các trường đại học hàng đầu Manila rồi) để sau này quản lí doanh nghiệp gia đình hoặc đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước sau này.

Thủ đô Manila hỗn loạn hơn mình nghĩ và mình cũng có một trải nghiệm phải gọi là kinh hoàng khi đi MRT ở đây mà sau này mình hay đùa là chuyến MRT nguy hiểm nhất cuộc đời. Thậm chí còn nguy hiểm hơn ở Delhi, Ấn Độ. Mình ít tiền nên hay sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại nhưng riêng MRT ở Manila đi lần thứ nhất xong không dám đi lần thứ hai. Đi MRT mà cứ như giẫm đạp lên nhau cấp độ 1. Mình bị xô và giẫm dép xém té ở cửa vào tàu, may mà không bị rách dép giữa chừng. Mình còn nhớ hôm đó mình đi lúc khoảng 9h30 sáng. Không biết lúc đó có phải giờ cao điểm không mà người xếp hàng đông nghịt. Trạm MRT không sạch sẽ, thơm tho và mát mẻ như MRT ở Bangkok, Singapore hay Kuala Lumpur trong khi đó trời thì rất nóng và khói bụi tưng bừng nên mỗi người cầm một cây quạt giấy phẩy thôi là phẩy. Sau khi xếp hàng kiểm tra hành lí và mua vé mình đi về phía ga tàu. Điều làm mình nhớ nhất lúc đợi tàu có lẽ là đôi mắt biểu lộ sự căng thẳng tột độ của anh bảo vệ trước khi thả sợi dây thừng  xuống cho đám người đang đứng trước mặt anh lao vào khoang tàu. Chuyện là ở các nước khác hành khách chỉ việc xếp hàng đứng đợi tàu trước vạch vàng là ok nhưng chắc do dân ở đây “máu” quá nên chính quyền sắm luôn sợi dây thừng kéo từ đầu tàu đến cuối tàu. Mỗi lần tàu đến là sợi dây thừng được kéo lên để đảm bảo an toàn cho những người từ trong tàu ra từ dòng người đang háo hức được lên tàu. Sau đó sợi dây thừng được thả xuống và các khoang tàu được lấp đầy chỉ trong một cái nháy mắt. Ngoài ra mình cũng trải nghiệm Jeepneys, một loại xe công cộng phổ biến ở Manila nhưng cũng không khả quan lắm do mình không tìm thấy lịch trình và tài xế không biết tiếng Anh. Mấy lần bị lạc rồi lơ ngơ giữa đường nên thôi mình từ bỏ luôn.

Hết thời hạn ở Philipines nên mình mua vé bay về Bangkok và ở thêm 1 tháng trước khi về Sài Gòn kết thúc chuyến đi dài để trở lại thế giới của người đi làm. Đã chọn làm gì thì sẽ phải chấp nhận những được mất nhất định và gap year cũng vậy. Nó không chỉ màu hồng và mình cũng bị đối mặt với kha khá thứ trong đó có cái gọi là sốc ngược khi về nước. Mình sẽ nói kĩ hơn về những suy nghĩ của mình ở phần 3 nhé. Stay tuned!

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may like