4 điều mình học được sau 2 năm nộp hồ sơ du học

single-image

Trong bài viết lần trước mình có chia sẻ về câu chuyện gần 2 năm luyện thi và làm hồ sơ để apply du học. Trong quá trình đó mình đã đúc kết được một số điều nên bài viết này mình sẽ chia sẻ về một số kinh nghiệm nộp hồ sơ du học của bản thân. Hi vọng bạn sẽ tìm được thông tin hay ho nào đó cho mình.

Cân bằng giữa thực tế và mục tiêu để vạch kế ra kế hoạch phù hợp với bản thân

Ngay từ đầu cần xác định một số điều quan trọng như: Bạn phải đi học với học bổng chính phủ toàn phần? Hay muốn học trường top với mức học bổng cao nhất có thể? Hay bạn muốn phải đi học vào mùa thu năm học tiếp theo và trường vừa vừa thôi cũng được miễn là được đi học? Bạn đang có điểm mạnh nào và thiếu những yếu tố nào cần hoàn thiện? Vậy với thực tế như này và mục tiêu đi học kia bạn sẵn sàng dành bao nhiêu thời gian và nỗ lực để thực hiện nó? Bạn có muốn có kế hoạch back-up hay chỉ một kế hoạch để bản thân không có đường lùi mà cố gắng? Làm rõ những câu hỏi này ngay từ đầu sẽ làm cho việc lên kế hoạch trở nên dễ dàng hơn.

kinh nghiệm nộp hồ sơ du học
kinh nghiệm nộp hồ sơ du học

Dĩ nhiên được đi học miễn phí với học bổng là điều quá tuyệt, đáng tự hào và đó cũng là điều ai cũng một lần ước ao. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực thì việc bạn/gia đình có tài chính để hỗ trợ cho việc đi học nếu không có học bổng toàn phần cũng là một điều may mắn. Mình nghĩ rằng đầu tư cho bản thân nói chung và giáo dục nói riêng thì tỉ lệ ROI sẽ luôn cao và có tính bền vững.

Mình đã từng gặp những anh chị dành 10 năm để theo đuổi 1 học bổng chính phủ danh giá, hay dành nhiều năm luyện thi để được học bổng toàn phần, và cả những người đặt mục tiêu chỉ học Standford còn học bổng được bao nhiêu vui bấy nhiêu. Nếu hỏi mình có làm như vậy không thì câu trả lời là không vì mình biết mình không đủ kiên trì hoặc nhiều tiền đến thế. Mỗi người đều có cách khác nhau để đạt mục tiêu của mình dựa trên hoàn cảnh cá nhân. Mình cũng vậy nên mình đã dựa vào tài chính, năng lực và mục tiêu để đặt ra kế hoạch riêng phù hợp bản thân mình và cũng cho bản thân cơ hội cố gắng hết sức có thể để khi nhìn lại cũng không còn gì tiếc nuối.

Và còn điểm này quan trọng không kém nè. Mỗi ngày trên mạng ra rả những thông tin về những bạn được học bổng vài tỉ, những người nộp và đậu luôn học bổng chính phủ ngay từ lần đầu dù họ tự nhận họ chẳng có gì xuất sắc, GPA thấp chỉ  7.0,…. Chắc có lúc nào đó bạn cũng như mình nghĩ “Sao họ giỏi vậy?”, “Sao họ làm được mà mình thì không?”, “Sao mình kém vậy?”. Nếu có nhận một chiếc email từ chối thì cứ cho phép mình buồn nhưng đừng buồn lâu nhe. Mình đã cố gắng hết sức và chuyện còn lại là may mắn thôi. Hãy để những thông tin trên mạng xã hội là động lực để mình cố gắng chứ không phải để tự ti về khả năng bản thân mình.

Luôn có người để chia sẻ trong quá trình chuẩn bị và nộp hồ sơ đầy mệt mỏi

Nếu không có một người sếp (cũ) luôn lắng nghe mình lảm nhảm những lúc mình bí ý tưởng hay gào khóc những lúc mình rớt tơi tả và còn cho mình ăn để an ủi nỗi buồn, những đứa bạn thân an ủi những lúc mệt xuống tinh thần và chị đồng nghiệp nghe mình nói xàm rồi còn bonus thêm những lời khuyên nhủ thì không biết mình vượt qua giai đoạn này như thế nào. Chuyện chuẩn bị để đi học trong khi còn đi làm khá nhạy cảm và càng ít người biết càng tốt, nhưng hãy để những người gần bạn nhất biết và động viên tinh thần những lúc cần nhé. Sức khoẻ tinh thần tốt sẽ giúp còn đường dài phía trước trở nên bớt chông chênh hơn.

Có một người mentor định hướng sẽ giúp mình vững tâm hơn

Ai đó đã từng nói với mình “Có mentor sẽ giúp mình đi nhanh hơn rất nhiều”. Những năm đầu đi làm mình cũng muốn tìm mentor để chỉ dẫn mình đường đi nước bước như nào nhưng mãi không tìm được. Rồi dần dần ý tưởng đó cũng bị quên lãng. Sau này mới biết gặp được mentor đôi khi cũng là cái duyên nữa. Và may mắn sao lúc nộp hồ sơ trong chương trình mentoring mình đã may mắn gặp được chị mentor hết sức có tâm và dễ thương đồng hành cùng mình trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ. Thực sự có chị đồng hành cùng làm cho quá trình viết luận trở nên thú vị và hiệu quả hơn rất nhiều. Bản thân mình cũng trở nên tự tin hơn khi được chị giúp đỡ và định hướng.

Như mình đã nói ở trên gặp được mentor đôi khi cũng là cái duyên nên nếu bạn không tìm được người mentor cho mình thì cũng không sao. Vẫn còn nhiều cách khác để hỗ trợ bạn làm hồ sơ như nhờ bạn bè, alumni, dịch vụ sửa bài luận, agency lo từ A đến Z,….Có nhiều cách để đến một cái đích mà nhỉ. Bản thân mình cũng nhờ từ alumni, bạn bè, mentor review hồ sơ. Nói chung một câu hỏi có 100-300 chữ thôi mà được góp ý và chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần từ bản draft đầu tiên.

Chỉ mình mới là người hiểu rõ bản thân mình nhất

Trước kia khi tham dự các buổi hội thảo du học, trong phần Q&A khi khách mời trả lời câu hỏi của khán giả thường sẽ thòng thêm câu cuối “Chọn ngành/trường/giải pháp thì còn tuỳ thuộc vào bản thân em và mục tiêu của em”. Mình thường cảm thấy không hài lòng và nghĩ tại sao phải như vậy? Tại sao không cho trả lời hoặc cho lời khuyên A hay B luôn nhỉ? Làm sao biết mục tiêu của mình là gì để chọn bây giờ? Giờ nghĩ lại thấy mình sai sai.

Lớn hơn chút mình mới hiểu chỉ thực sự bản thân mới là người hiểu rõ nhất mình có điểm mạnh, điểm yếu nào, mục tiêu tương lai, muốn trở thành người như thế nào, muốn học trường gì, ngành nào. Lời khuyên của những người khác chỉ mang tính tham khảo từ góc nhìn của họ mà thôi. Ngoài ra, một mặt tích cực khác của việc tự đưa ra quyết định cho những vấn đề của bản thân đó là việc tự làm tự chịu. Sau này, nếu quyết định đó không đạt kết quả thì mình phải tự chịu trách nhiệm với chính mình chứ không cảm thấy uất ức và đổ lỗi cho ai cả. Vậy làm sao để trả lời được những câu hỏi khó nhằn này? Theo mình là liên tục khám phá, trải nghiệm, làm sai, sửa và dành thời gian để nghiệm lại. Chị sếp cũ đã từng nói với mình “Điều quý giá nhất ở tuổi 20 là có cơ hội được làm sai mà không phải trả giá nhiều nên hãy tận dụng nó”. Tóm lại là, khi làm hồ sơ bạn có thể dùng kĩ thuật để kể chuyện hay, để được đi học trường mình muốn, để được học bổng nhưng bạn không thể mập mờ với bản thân mãi được. Trường học chỉ là một vài năm nhưng sau đó là sự nghiệp và cuộc sống của chính mình nữa.

Mới chỉ 4 mục thôi mà bài dài quá rồi nên mình dừng lại đây. Mong là trong những kinh nghiệm nộp hồ sơ du học trong bài viết của mình ở trên, bạn đã tìm được điều gì đó có ích cho bản thân nhé.

Leave a Comment

Your email address will not be published.

You may like